Quản lý nhà nước về viễn thám và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Viễn thám Việt Nam: Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về viễn thám và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Quản lý nhà nước về viễn thám và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Quản lý nhà nước về viễn thám và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Phát triển lĩnh vực viễn thám Việt Nam trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới; Bảo đảm việc xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin không gian khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng – an ninh; phòng chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám thống nhất trên phạm vi cả nước, có năng lực, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường.

Tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò của viễn thám Việt Nam, giai đoạn từ nay đến năm 2020, lĩnh vực viễn thám ưu tiên cho việc xây dựng và hình thành chính sách quốc gia và khung pháp lý về phát triển và ứng dụng, các chính sách bảo đảm nguồn nhân lực, bảo đảm vốn đầu tư cho phát triển và ứng dụng viễn thám; hình thành cơ quan chỉ đạo quản lý, phối hợp hoạt động phát triển và ứng dụng viễn thám ở cấp Trung ương; từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở nước ta; tăng cường cơ sở hạ tầng viễn thám; mở rộng quan hệ quốc tế về viễn thám; quy hoạch bước đầu về các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về viễn thám,… Ứng dụng viễn thám phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất tư nhân.

Đến năm 2025, trên cơ sở nâng cấp và phát huy hiệu quả phát triển trong giai đoạn trước, phấn đấu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị viễn thám trên vệ tinh, phát triển công nghệ phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu viễn thám; mở rộng và thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng viễn thám.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực viễn thám

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh việc xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở Việt Nam, cần đẩy nhanh việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động viễn thám; các văn bản hướng dẫn áp dụng Nghị định, chính sách về ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám; quy định về bảo mật và công bố thông tin đã tích hợp, về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn hóa các định dạng và định chuẩn trong ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám; quy chế về quản lý, trao đổi và cung cấp thông tin viễn thám, về sử dụng chung các cơ sở viễn thám liên ngành; về lưu trữ, quản lý, khai thác và sử dụng những thông tin, số liệu điều tra nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước; các tiêu chuẩn về viễn thám, bao gồm các quy trình, quy phạm xử lý và sử dụng tư liệu viễn thám vào các lĩnh vực chuyên ngành.

Định hướng hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; tăng cường đồng bộ hệ thống trạm thu viễn thám

Mạng lưới trạm thu nhằm mục tiêu cung cấp đầy đủ và kịp thời các loại tư liệu viễn thám phổ biến cho các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta, đồng thời tham gia vào mạng lưới thương mại tư liệu viễn thám khu vực. Trạm thu gồm các nhánh: Thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân phối. Nhiệm vụ xây dựng trạm thu gồm: Phát triển mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám vệ tinh khí tượng phục vụ dự báo thời tiết, giám sát thiên tai, và một phần phục vụ giám sát môi trường, nghiên cứu biển…; Định hướng xây dựng trạm thu dữ liệu viễn thám vệ tinh dân dụng dùng chung để phục vụ công tác quản lý tài nguyên, bản đồ, giám sát môi trường, thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội; Xây dựng trạm thu dữ liệu viễn thám vệ tinh phục vụ an ninh – quốc phòng.

Phát triển ứng dụng viễn thám

Nhu cầu về ứng dụng công nghệ viễn thám của nước ta giai đoạn 2015 – 2025 là rất lớn và cấp bách. Sau hơn 40 năm tiếp cận và phát triển công nghệ viễn thám, nhiều ngành ở nước ta đã có tiềm lực công nghệ nhất định cho phép mở ra ứng dụng trên qui mô lớn để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, còn một số ngành có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh – quốc phòng và có nhu cầu cấp bách về ứng dụng công nghệ viễn thám, nhưng chưa có đủ điều kiện để triển khai.

Theo các quan điểm chỉ đạo, định hướng ứng dụng công nghệ viễn thám đến giai đoạn 2015 đến 2025, sẽ bao gồm ứng dụng và phát triển viễn thám mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: quản lý thống nhất biển – hải đảo; tài nguyên nước; khí tượng – thuỷ văn; địa chất – khoáng sản; điều tra quản lý tài nguyên rừng; điều tra, quản lý đất đai; đo đạc – bản đồ; nông nghiệp; thuỷ sản; giám sát và giảm nhẹ thiên tai; giám sát và bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học; quy hoạch đô thị và thiết kế các công trình kinh tế – kĩ thuật lớn; phục vụ các nhiệm vụ an ninh – quốc phòng.

Phát triển nguồn nhân lực về viễn thám

Phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng có tính quyết định để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở nước ta giai đoạn tới cũng như tương lai. Để đạt được mục tiêu về tăng cường nguồn nhân lực trong kế hoạch tổng thể cần triển khai công tác đào tạo ở trong nước cũng như ngoài nước dưới các hình thức đào tạo chuyên sâu về viễn thám bậc đại học và sau đại học, đào tạo văn bằng 2 về viễn thám cho những kĩ sư đã tốt nghiệp các chuyên ngành có liên quan, đào tạo về viễn thám cơ sở cho các sinh viên theo học và cho các cán bộ làm việc trong các ngành có liên quan đến công nghệ viễn thám

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế

Chú trọng nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, phương pháp luận, phát triển các lĩnh vực khoa học có thế mạnh và có tiềm năng nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, vị thế của viễn thám trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế liên kết chuyên ngành, gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới

Kết hợp nghiên cứu toàn diện và trọng điểm với mục tiêu phát triển bền vững vùng. Nghiên cứu tình hình quốc tế, xu thế phát triển của khu vực và thế giới, dự báo tác động đối với sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai theo các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia, các chương trình, đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, các dự án điều tra cơ bản và một số nhiệm vụ đột xuất khác theo đặt hàng của Đảng và Nhà nước.

Hội nhập quốc tế là yếu tố then chốt, góp phần đáng kể vào đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đất nước; thúc đẩy sự liên kết mới giữa các hình thức ứng dụng viễn thám, nâng cao sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã xác định. Công tác hội nhập quốc tế về viễn thám, cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Nguồn: Cục Viễn Thám Quốc Gia

Có thể bạn quan tâm