35 năm Viễn thám Việt Nam: Khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.
Viễn thám Việt Nam: Tầm quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội – Ảnh minh họa |
Được chính thức hình thành ở Việt Nam vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay, ngành Viễn thám đã không ngừng phát triển trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới. Là một đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Viễn thám Quốc gia đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý và thực thi các hoạt động viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển. Nhân dịp kỷ niệm 35 xây dựng và phát triển Cục Viễn thám Quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia về những thành tựu đạt được trong suốt 35 qua cũng như những chiến lược, định hướng phát triển ngành viễn thám trong thời gian tới.
Thưa ông, nhìn lại 35 xây dựng và phát triển ngành viễn thám, ông có thể giới thiệu khái quát những thành tựu nổi bật của ngành trong những năm qua?
TS. Nguyễn Xuân Lâm:Có thể nói, viễn thámđã bắt đầu chính thức hình thành ở Việt Nam vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, thông qua Chương trình Intercosmos của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển, từ Tổ Viễn thám trực thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước, đến Trung tâm Viễn thám thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước, Trung tâm Viễn thám thuộc Tổng cục Địa chính; Trung tâm Viễn thám quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và đến năm 2013 chính thức thành Cục Viễn thám quốc gia – đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và thực thi các hoạt động về viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng; thực hiện các dịch vụ về viễn thám theo quy định của pháp luật.
35 năm qua ngành viễn thám ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức và nguồn nhân lực. Đến nay Cục Viễn thám Quốc gia đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng làm chủ vận hành Trạm thu ảnh viễn thám, Trung tâm xử lý dữ liệu viễn thám, ứng dụng dữ liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai. Đội ngũ này bao gồm các tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ thuật viên được đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo thông qua các dự án. Đến nay, đội ngũ này có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn công nghệ cao do Bộ TN&MT giao đến các dự án lớn của Chính phủ.
Những thành tựu nổi bật của ngành viễn thám trong suốt 35 năm gắn liền với từng giai đoạn phát triển của ngành. Cụ thể như sau:
Giai đoạn từ năm 1980 – 1993, đây là thời kỳ Viễn thám bắt đầu khẳng định được vị thế trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và tạo những bước đi vững chắc cho phát triển theo 3 trụ cột: xử lý, cung cấp ảnh; hiện chỉnh bản đồ địa hình; và thành lập các loại bản đồ chuyên đề. Các sản phẩm nổi bật thời kỳ này có thể kể đến như: Hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000 cho một số địa phương; xây dựng bộ bản đồ hiện trạng sử dụng đất toàn quốc tỷ lệ 1:250.000. Cung cấp kịp thời bản đồ nền và trực tiếp tham gia lập hồ sơ địa giới hành chính 364/CT. Chính vì vậy ngành Viễn Thám đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân). Thành lập bộ bản đồ chuyên đề phục vụ khai thác lãnh thổ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, cũng đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
Giai đoạn 1994 – 2002: Đánh dấu việc hoàn thiện công nghệ hiện chỉnh bản đồ địa hình và tiến hành hiện chỉnh gần 300 mảnh bản đồ tỉ lệ 1/50.000, 487 mảnh tỉ lệ 1/25.000; công nghệ viễn thám được sử dụng rộng rãi hơn trong thành lập bản đồ địa hình, thành lập bản đồ chuyên đề; đẩy mạnh việc xử lý, cung ứng các loại hình tư liệu viễn thám cho các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học của nhiều bộ, ngành và địa phương. Thời kỳ này, đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trong việc thành lập bản đồ chuyên đề. Các công trình nổi bật như thành lập bản đồ biến động lòng sông, cửa sông, bờ biển trên nhiều vùng khác nhau ở các tỉ lệ 1/25.000, 1/50.000, 1/100.000; bản đồ biến động rừng ngập mặn tỉ lệ 1/100.000 trên toàn dải ven biển; bản đồ đất ngập nước tỉ lệ 1/250.000 phủ trùm toàn quốc, bản đồ kiểm kê và đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản ven bờ tỉ lệ 1/100.000…, những công trình này đã đáp ứng nhu cầu của các cơ quan và được đánh giá cao về chất lượng.
Giai đoạn 2003-2012: Thời kỳ đánh dấu sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngành Viễn thám, phạm vi hoạt động và ứng dụng công nghệ viễn thám được mở rộng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt, với việc thành lập Trung tâm Viễn thám quốc gia theo Nghị định số 25/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã đánh dấu sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đơn vị. Phạm vi hoạt động, ứng dụng của viễn thám được mở rộng, phục vụ cho các lĩnh vực trong và ngoài Bộ, bao gồm các lĩnh vực như quản lý đất đai; môi trường; biển và hải; đo đạc bản đồ; lâm nghiệp; thủy văn,… Đồng thời, dữ liệu thu nhận tại Trạm thu đã được sử dụng trong nhiều bộ ngành và địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, hàng chục tỉnh thành phố, Các viện nghiên cứu (Viện Địa lý, Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ…); các trường đại học (Đại học Mỏ địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Tài nguyên và Môi trường…).
Thời kỳ từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Viễn Thám phát triển trở thành Cục Viễn thám quốc gia, chính thức trở thành một đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cục Viễn thám quốc gia đã không ngừng vươn lên, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Quán triệt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu, trong thời gian không đầy 2 năm, Cục đã xây dựng, trình ban hành được 10 văn bản quản lý nhà nước trong đó 02 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng trình Bộ trưởng ban hành 05 Thông tư; phối hợp xây dựng 01 Thông tư về phí khai thác và sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh; xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động trong quản lý vận hành và khai thác hệ thống VNREDSat-1. Bên cạnh đó, các dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Cục Viễn thám quốc gia đều có chất lượng tốt, có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao. Cụ thể, kết quả dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám được bình chọn là sự kiện nổi bật năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong 35 năm qua, Cục Viễn thám quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt là Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Thái Lai, sự cộng tác, giúp đỡ của các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên và các đối tác nước ngoài; với sự nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đơn vị phát triển, Cục Viễn thám quốc gia đã được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, đã vinh dự được tặng thưởng 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và một Huân chương Lao động Hạng ba cho tập thể Trung tâm và 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 Huân chương Lao động Hạng ba cho các cá nhân. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập này, Cục Viễn thám quốc gia được Chủ tích nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng hai.
Được biết, viễn thám là một trong những phương tiện chủ đạo và hiệu quả trong công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, xin ông cho biết ở Việt Nam việc áp dụng công nghệ này đã mang lại những hiệu quả như thế nào trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu?
TS. Nguyễn Xuân Lâm: Đúng vậy, công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây. Thông tin thu thập từ vệ tinh quan trắc trái đất ngày càng có độ chi tiết cao, với tần xuất ngày càng cải thiện. Việc kết hợp công nghệ viễn thám với công nghệ truyền thống trong quan trắc môi trường cho phép cải thiện độ chính xác thông tin quan trắc. Mặc dù việc đưa công nghệ viễn thám vào quan trắc, giám sát môi trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với xu thế của thời đại, với đường lối lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước, với quyết tâm bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường thì công nghệ viễn thám sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường ở nước ta.
Từ sau năm 2006, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhà nước ta đã có những đầu tư cơ bản vào phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ viễn thám nói riêng với việc đầu tư xây dựng trạm thu ảnh viễn thám đầu tiên ở Hà Nội (2009), chế tạo và đưa vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 lên quỹ đạo (2013). Với các đầu tư này thì việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý và bảo vệ môi trường ở nước ta đã có những bước phát triển mới với việc đưa ứng dụng công nghệ viễn thámvào trong thực tiễn của công tác quản lý và giám sát môi trường.
Nhiều ví dụ minh chứng cho việc ứng dụng thành công công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải kể đến như:
Năm 2008, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài Trung tâm Viễn thám (nay là Cục Viễn thám quốc gia), đã thành công trong việc sử dụng ảnh radar đa thời gian trong giám sát và xác định nguyên nhân ô nhiễm dầu trên Biển Đông. Cục Viễn thám quốc gia cũng tiến hành ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị. Gần đây, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã ứng dụng công nghệ viễn thám thành công trong lập cơ sở dữ liệu hệ sinh thái rừng.
Đặc biệt, năm 2010, Dự án “Xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam” do Trung tâm Viễn thám quốc gia (nay là Cục Viễn thám quốc gia) – Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Đây là một hệ thống công nghệ cao, là thành quả của bước đi ban đầu thực hiện “Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Việc có một Trạm thu ảnh vệ tinh là một bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta, là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cơ bản cho việc ứng dụng và phát công nghệ viễn thám ở tầm quốc gia – kể từ đây, Việt Nam trở thành nước thứ 5 ở Đông Nam Á có Trạm Thu ảnh vệ tinh. Trạm thu đã cung cấp một khối lượng lớn ảnh viễn thám giải quyết các vấn đề về quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, theo dõi, kiểm kê đất đai, giám sát diện tích rừng, ứng dụng trong công tác địa chất, giám sát môi trường, điều tra tài nguyên đới bờ và biển, hải đảo, theo dõi thiên tai… và phục vụ giám sát tác động của biến đổi khí hậu.
Ngày 07/5/2013, vệ tinh VNREDSat-1, đầu tiên của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất. Dự án VNREDSat-1 là sự phối kết hợp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của Hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tạo ra một hệ thống giám sát viễn thám hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam. Từ năm 2013, Việt Nam đã chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các Bộ, ngành và các tỉnh thành có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám. Đây là dự án thành phần của “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (Đề án 47). Nổi bật nhất là dự án đã thiết lập được cơ sở dữ liệu thông tin địa lý ảnh vệ tinh đa thời gian cho toàn vùng biển và hải đảo Việt Nam: Thành lập được bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và 1/250.000 bằng tư liệu ảnh vệ tinh cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thiết lập được cơ sở dữ liệu chuyên đề về một số yếu tố môi trường vật lý, hóa học và sinh vật vùng biển theo những khoảng thời gian trong năm (4 mùa/năm), các yếu tố lớp phủ bề mặt vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và mở ra triển vọng to lớn trong việc tăng cường năng lực cho việc áp dụng công nghệ viễn thám phục vụ điều tra cơ bản và giám sát tài nguyên – môi trường biển, hải đảo Việt Nam thời gian tới.
Bên cạnh đó, Dự án “Kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014” đã Thành lập bình đồ ảnh viễn thám phục vụ kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 cho 48 xã chưa có bản đồ địa chính thuộc khu vực 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cho 54 xã có bãi bồi ven biển trên phạm vi toàn quốc,…
Đặc biệt, trong thời gian qua, công nghệ viễn thám đã đem lại rất nhiều hiệu quả trong nghiên cứu tai biến tự nhiên và hỗ trợ thông tin nhanh phục vụ cảnh báo và giám sát các hiện tượng bão lũ. Cụ thể Trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ (WINDS-VSAT) đặt tại Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai (Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) – một đầu mối thu nhận và xử lý thông tin hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp thuộc Hệ thống hỗ trợ quản lý thiên tai châu Á Thái bình dương (Sentinel Asia). Vừa qua, Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai đã chủ động kích hoạt hệ thống Sentinel Asia với mức ưu tiên khẩn cấp và đã thu nhận được và xử lý các cảnh ảnh vệ tinh ra đa ALOS-2 PALSAR chụp ảnh khu vực lũ lụt tại tỉnh Quảng Ninh, đã góp phần kịp thời giám sát tình hình khu vực bị lũ lụt.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và những thành tựu trong 35 năm qua, ngành viễn thám đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển cụ thể như thế nào để trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới
TS. Nguyễn Xuân Lâm: Phát triển lĩnh vực viễn thám Việt Nam trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới; Bảo đảm việc xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin viễn thám khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng – an ninh; phòng chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám có năng lực, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường – là những định hướng quan trọng của ngành viễn thám trong thời gian tới.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành viễn thám sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước. Trong đó, cần ưu tiên cho việc xây dựng và hình thành chính sách quốc gia và khung pháp lý về ứng dụng và phát triển, bảo đảm vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển viễn thám; hình thành cơ quan chỉ đạo quản lý, phối hợp hoạt động ứng dụng và phát triển viễn thám ở cấp Trung ương; từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở nước ta; tăng cường cơ sở hạ tầng viễn thám; mở rộng quan hệ quốc tế về viễn thám; quy hoạch bước đầu về các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về viễn thám,… Ứng dụng viễn thám phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Định hướng xa hơn đến năm 2025, trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả các kết quả, thành tựu phát triển trong giai đoạn trước, ngành viễn thám phấn đấu làm chủ mở rộng và thương mại hoá các sản phẩm viễn thám
Với niềm vui, lòng tự hào phấn khởi về truyền thống vẻ vang trong 35 năm qua, toàn thể lãnh đạo và tập thể công chức, viên chức và người lao động Cục Viễn thám Quốc gia phấn đấu lao động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn đưa Cục Viễn thám quốc gia trở thành đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thám, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng.