Một nhóm sinh viên Đại học khoa học Huế đã tạo ra một công cụ hữu ích hỗ trợ cho việc quản lý, quy hoạch cây xanh tại Đại Nội. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) giúp cho Công ty môi trường đô thị quản lý tốt mật độ cây xanh, kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa cũng như trồng bổ sung…
Mô hình 3D trong quản lý cây xanh đô thị |
Cùng với các công trình ao hồ, thành hào, thảm cỏ, hơn 100 công trình kiến trúc tuyệt mỹ và hệ thống cây xanh ở trong Đại Nội đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp độc đáo của quần thể di tích cố đô Huế. Tuy nhiên, công tác quản lý cây xanh ở đây hiện còn nhiều bất cập. Trước thực trạng này, một nhóm sinh viên Đại học khoa học Huế đã xây dựng một hệ thống GIS để quản lý cây xanh khu vực Đại Nội, tạo ra một công cụ hữu ích hỗ trợ cho việc quản lý, quy hoạch cây xanh, giữ gìn môi trường sinh thái. Đề tài đoạt giải nhì giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Toàn quốc năm 2004.
Để thành lập được sơ đồ quản lý bằng công nghệ GIS, nhóm đã thu thập bản đồ, sơ đồ chi tiết khu vực Đại Nội, tài liệu của gần 1.500 cây xanh ở khu vực Đại Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ tổng thể khu vực trong Đại Nội và 4 tuyến đường bao quanh Đại Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc tính…
Chị Đỗ Thị Việt Hương, Giảng viên khoa Địa lý Địa chất, Đại học khoa học Huế cho biết: Trên sơ đồ quản lý hệ thống cây xanh khu vực Đại Nội, chúng tôi thể hiện vị trí của cây ở các vị trí cụ thể và nếu muốn biết thông tin về loại cây nào ở vị trí nào, chỉ cần một công cụ Info trên phần mềm Microsoft để thể hiện thông tin của cây xanh đó, dùng công cụ này kích vào sẽ biết được cây tên gì, chu vi, chiều cao, khoảng cách giữa hai cây kế tiếp nhau…”
Hệ thống cây xanh của thành phố Huế rất phong phú, nhiều chủng loại, mật độ tương đối dày đặc, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị, như: làm bóng mát, chống bụi, điều hòa không khí, tạo nên không gian tốt cho hoạt động du lịch. Tuy nhiên trước đây nhiều cây xanh lâu năm bị chặt phá làm cơ sở hạ tầng, một số cây mới trồng lại vứt bỏ để làm vỉa hè do chưa có sự tính toán kỹ về phương pháp bố trí cây trồng. Việc quản lý cây xanh chủ yếu trên giấy tờ, bằng phương pháp thủ công, chưa có sự kết hợp giữa nguồn số liệu và sự phân bố của chúng ngoài thực tế. Việc dùng công nghệ GIS quản lý cây xanh sẽ khắc phục những hạn chế trên.
Theo tiến sĩ Hà Văn Hành, Trưởng bộ môn địa lý – Khoa địa lý địa chất – Đại học Khoa học Huế:”Tiện lợi của việc ứng dụng mô hình này là giúp cho Công ty môi trường đô thị quản lý tốt mật độ cây xanh như thế nào là vừa phải, kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa cũng như trồng bổ sung. Đặc biệt, người quản lý có thể ngồi tại chỗ chỉ đạo kịp thời khi quy hoạch các tuyến đường, mở rộng những đoạn đường mới thành lập”