Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) là giải pháp tốt để phát triển bền vững, nhất là trong hoàn cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Có nhiều thuận lợi để phát triển mô hình này, những nghiên cứu bước đầu cho việc phát triển SDI thành phố Cần Thơ đang được tiến hành.
Phát triển cơ sở hạ tầng không gian và ứng dụng gis |
Kiểm soát tác động xấu của biến đổi khí hậu
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng sẽ chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân là bởi quá trình đô thị hóa ở các đô thị vùng ĐBSCL phát triển mất kiểm soát, tác động xấu đến môi trường sống của người dân đô thị.
Việc xây dựng không theo quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch xây dựng chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tình trạng lấn chiếm sông rạch, gây bồi lắng, ô nhiễm; kênh rạch không được cải tạo và một bộ phận người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, đã làm cho môi trường thêm ô nhiễm, phát sinh thêm nhiều bất cập
Nằm ở vị trí trung tâm của của ĐBSCL, TP.Cần Thơ gánh chịu thiệt hại ít hơn các địa phương trong vùng. Những năm qua, TP Cần Thơ đã dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ, hàng không, cảng biển…. Tuy nhiên, những công trình dự án đó vẫn chưa đủ so với nhu cầu cần phải đầu tư nâng cấp trong tiến trình đô thị nhanh như hiện nay của thành phố.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Tư vấn của Ngân hàng Thế giới WB), SDI là hạ tầng thông tin không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững, nhất là trong hoàn cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước đã đầu tư đáng kể về thông tin địa lý và thông tin đất đai, có tới 80% diện tích đất đã được phủ bản đồ số. ĐBSCL có bản đồ GIS ở tỷ lệ 1/5000, hầu hết các đô thị được phủ bản đồ địa hình 1/2000, trong đó TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng được dữ liệu Lidar toàn thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ phát triển SDI…
Xem thêm: Khóa học phần mềm QGIS
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lưu Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, GIS nói riêng và SDI nói chung là công cụ hiệu quả để quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc vận hành hệ thống càng sớm càng thuận lợi cho công tác quản lý tại TP Cần Thơ.
Xây dựng thành phố thông minh bằng việc ứng dụng gis
Thực tế, SDI sẽ được phát triển tại thành phố Cần Thơ, dưới dạng một phần của dự án “Phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” do WB và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECCO) tài trợ. Việc phân tích tốt các thông tin SDI nhằm hướng dẫn phát triển đô thị và xây dựng Cần Thơ trở thành một thành phố thông minh – hiện đại nhất vùng ĐBSCL và điển hình của cả nước…
Cùng với SDI, hệ thống thông tin địa lý (GIS) – TP Cần Thơ đã xây dựng xong, là một công cụ hữu ích trong việc tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ gắn kết với các thông tin cơ sở dữ liệu không gian phục vụ phân tích và truy cập theo yêu cầu. GIS vốn là một công nghệ kết hợp nhiều loại hình công nghệ như đồ họa trên máy tính, bản đồ trợ giúp bằng máy tính, viễn thám…
Đặc biệt, với khả năng phân tích, công nghệ GIS được xem là một công cụ trợ giúp đắc lực khi được áp dụng vào lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Từ đó sẽ giúp công việc nghiên cứu thiết kế một cách hiệu quả, hỗ trợ cho các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, hiện nay, TP Cần Thơ có thể xem xét áp dụng một số ứng dụng cụ thể của hệ thống GIS đã có như xây dựng hệ thống dữ liệu về thành phố thông minh. Đây là tầng phát triển cao nhất hệ thống GIS nhằm mang lại cho đô thị một mô hình đô thị mới với công nghệ hiện đại cho phép người dân có thể tiếp cận và sử dụng tại mọi thời điểm, mọi không gian và từ bất kỳ thiết bị nào. Thành phố thông minh còn góp phần thỏa mãn nhiều mục đích khác nhau như quản lý đô thị hiệu quả, hạ tầng tiên tiến, môi trường sống thuận lợi.
Đặc biệt, đối với TP Cần Thơ, hệ thống thành phố thông minh dựa trên cơ sở nền tảng SDI, giúp cho việc giám sát thường xuyên các nguy cơ thiên tai, nổi bật là tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn được dự báo sớm, từ đó có giải pháp nhanh chóng và phù hợp nhằm ứng phó kịp thời